Cứ mỗi lần nghe nhạc của Kobasolo làm tôi lại nhớ đến những ngày thử việc ở tiệm bán yakisoba (mì xào soba) và okonomiyaki (bánh xèo kiểu Nhật). Đó là một tiệm ăn nhỏ của cặp vợ chồng trẻ nằm trên đường ra ga Nishi Akashi.
Công việc chính của tôi là phụ bếp, ghi thực đơn, phục vụ. Tuy tiệm nhỏ nhưng tôi nghĩ mình học được khá nhiều thứ từ chỗ làm này. Anh chị chủ cửa tiệm là học trò cũ của cô giáo tôi, vì thế không khí làm việc phần nào dễ chịu và thân thiện. Khách của tiệm chủ yếu là dân cư sống quanh khu vực gần đấy và nhân viên của công ty Kawasaki. Họ ghé quán sau một ngày làm việc dài, gọi một dĩa mì soba hay một chiếc bánh okonomiyaki cùng một cốc bia trước khi ra ga lên tàu về nhà.
Yakisoba và okonomiyaki là hai món ăn mà bước vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay đến bất kỳ ngõ ngách nào quanh ga, bạn cũng dễ dàng bắt gặp. Bởi chúng là một trong những món ăn đường phố góp phần làm nên sự giàu có trong văn hóa ẩm thực của Nhật Bản. Vậy mà để tìm được mùi vị ưng ý hay một quán ăn để bạn có dịp lui tới thì chẳng dễ chút nào. Sau những háo hức chờ đợi được đến Nhật được một lần thưởng thức các thể loại món ăn mà người ta gợi ý trên các trang báo, tờ rơi quảng cáo du lịch….bạn tò mò và gọi một dĩa okonomiyaki. Nếu bạn chưa quen với vị ngọt lịm của sốt tương đen lẫn vị béo của sốt mayonnaise thì hẳn sẽ bỏ lại một nửa phần bánh vì ngấy.
Thế nhưng, cửa tiệm nơi tôi làm, dù ở vùng Kansai nhưng chủ tiệm lại sử dụng công thức làm okonomiyaki của vùng Hiroshima. Người ta kết hợp yakisoba với các nguyên liệu bắp cải, giá đỗ, trứng gà, hành lá, kezuriko (bột cá ngừ bào), aosako (bột rong biển), tenkasu (vụn bột chiên giòn)… để chế biến. Bánh làm theo cách này không quá dày, khi ăn cảm nhận không ngán bởi lượng bột đã được giảm đáng kể vì thay bằng nhân mì soba xào kẹp giữa lớp bánh cùng lớp trứng tráng mỏng. Hơn nữa, tiệm sử dụng gyusuji (gân bò) rim với nước tương, mirin và đường làm topping. Đây có lẽ là nguyên liệu đặc biệt làm cho Okonomiyaki của tiệm trở nên ngon hơn những nơi khác và làm tôi nhớ dư vị của nó đến giờ.
Những tháng đầu mới sang Nhật, khi vốn liếng ngoại ngữ còn ít ỏi, tôi chỉ mong mình tìm được một chỗ làm để có thể giao tiếp và hòa nhập ngay vào xã hội của nước người. Đó là cách duy nhất để tôi có cơ hội học hỏi thật nhanh và bắt nhịp với cuộc sống mới. Với tác phong của người Nhật, môi trường làm việc ở quán ăn đôi khi áp lực chẳng kém so với văn phòng. Nhờ vậy, tôi hiểu hơn về quy trình vận hành của một tiệm ăn, học thêm được cách chế biến vài món Nhật hay những thứ linh tinh trong lúc phụ bếp. Tôi đâu ngờ rồi một ngày mình rời Nhật, mình phải tự tay làm Okonomiyaki kiểu Nhật từ chính cách tôi gom góp những thứ tưởng chừng như vụn vặt và tầm thường ở trong gian bếp của cửa tiệm ngày nào.
Ai cũng mang trong mình một cái tôi rất lớn, tôi cũng không ngoại lệ. Bạn bè tôi ai cũng có một công việc và sự nghiệp ổn định ở quê nhà. Họ quan tâm và thường hỏi tôi qua đó làm gì? Rồi sự nghiệp tính sao? Thực ra, tôi cũng đã hoang mang và thấy mình khá bất ổn khi đối diện với những câu hỏi này. Hay chính tôi cũng tự hỏi bản thân rất nhiều lần, liệu rằng mình đã chọn lựa đúng đắn hay chưa với quyết định đến Nhật và bắt đầu lại mọi thứ khi tiếng Nhật vốn là rào cản lớn nhất? Có lẽ, chọn quay về nước với cái tôi bên trong cùng sự tự ái đè nặng lên suy nghĩ là một phương án khá dễ dàng nhưng chọn ở lại để bước tiếp mới là thách thức, là trải nghiệm quý giá mà chỉ sau này khi nhìn lại tôi thấy thật thấm thía và nhiều ý nghĩa..
Thỉnh thoảng, bắt gặp những bản nhạc Nhật quen thuộc của Kobasolo phát ra từ chiếc loa thông minh Alexa mà tôi mang từ Nhật sang đây, tôi như được quay lại quá khứ. Tôi đang trong tiệm bánh okonomiyaki năm xưa, vừa hít hà cái mùi thơm nghi ngút của chiếc bánh tỏa ra lúc chiều tàn, vừa chạy bàn, vừa nghe tiếng khách xì xầm, vừa hòa theo những bản nhạc nổi đình nổi đám một thời khi ấy. Thấy tuổi trẻ của mình sao vui quá đỗi.