Tôi từng hình dung Châu Âu là cái nôi lớn của các thể loại bánh ngọt, nơi đây sẽ là điểm đến tiếp theo cho tôi nhiều cơ hội trải nghiệm và tìm hiểu sâu hơn về thế giới bếp bánh. Điều này có vẻ đúng nếu tôi chọn sống ở Pháp hay Ý. Nhưng Thụy Điển lại là một câu chuyện khác. 

Đang giữa mùa xuân ấm áp của những ngày đẹp đẽ của năm, không hiểu sao tôi lại thèm có một chiếc bánh Mont Blanc, món bánh mang đậm hương vị của mùa thu. Những lúc như thế này, hoặc là tôi mặc cho sự thèm muốn trong mình lặng lẽ trôi qua hoặc là tôi phải vào bếp làm bánh. Những lúc thế này, tôi mới thấy Nhật vừa là xứ sở của muôn vạn kiểu bánh vừa tiện nghi đa dạng trong cách phục vụ, thích thì mua mà cần thì có. Những lúc thế này, tôi lại thêm vô vàn biết ơn tháng ngày mình đã sống ở Nhật. Bởi ở đó, tình yêu bếp bánh trong tôi được khơi mào và nuôi dưỡng. 

Mont Blanc – một loại bánh có nguồn gốc từ Pháp hoặc Ý và cũng chính là tên của một ngọn núi trong dãy Anpơ nằm ở Tây Âu. Chẳng rõ nó ra đời từ khi nào nhưng có mặt trong hầu hết các tiệm bánh ở Nhật. Ngoài bột, bơ, đường và kem, thành phần chủ đạo làm nên hương vị khó quên của Mont Blanc chính là hạt dẻ. Loại hạt mang về cho con người ta bao thức quà đặc trưng làm nên nét thi vị của mùa thu Nhật Bản. 

Giữa tiết trời thu chuyển mùa, hễ đi ngang qua các cung đường ở những vùng thôn quê bạn dễ dàng bắt gặp vô số hạt dẻ rơi vung vãi phơi mình ở gốc cây. Người Nhật thường dùng hạt dẻ nấu cơm, làm kẹo hạt dẻ hay nấu món shibukawa…Còn những cửa hàng bánh ngọt, Mont Blanc trở thành món bánh đặc biệt của tiệm vào mùa này. Cách làm bánh Mont Blanc sẽ không quá phức tạp cũng như chúng có thể được bán vào bất kỳ thời điểm nào trong năm nếu thợ bánh dùng hạt dẻ đóng hộp sẵn để chế biến. Thế nhưng, mùa nào thức nấy, thưởng thức Mont Blanc phải là mùa thu mới đúng điệu.

Hạt dẻ Nhật khá ngon, hạt lớn, vị bùi bùi, hơi béo và giàu tinh bột. Hạt dẻ tươi đem làm bánh sẽ cho ra kiểu vị đậm đà, nguyên bản, chất lượng và cao cấp. Tuy nhiên, hạt dẻ Nhật lớp vỏ khá dày, khi tách vỏ phải giữ được lớp da nâu bên ngoài và khi nấu phải làm sao để hạt dẻ không còn vị đắng chát luôn là khâu khó nhất. Công đoạn này cũng chính là cách làm món shibukawa truyền thống của người Nhật. 

Quanh nơi tôi sống bây giờ, hạt dẻ được trồng rất nhiều, chủ yếu thuộc giống nhỏ. Nhưng thật khó mà mua được chiếc bánh Mont Blanc ở vùng đất này. Tôi vẫn ngơ ngác tự hỏi sao cũng thuộc châu Âu nhưng bánh trái ở Thụy Điển lại không đa dạng, bắt mắt và hấp dẫn như những nơi khác. Phải chăng lagom (vừa đủ) hiện diện ngay cả trong cách ăn uống, ẩm thực của con người Thụy Điển? Hạt dẻ lượm được từ mùa thu năm ngoái, tôi đem rửa sạch và trữ đông để khi nào cần thì dùng đến. Vậy nên, tôi đã có sẵn nguyên liệu để bắt đầu cho mẻ bánh Mont Blanc của mình trong cơn thèm khát giữa mùa xuân. 

Hạt dẻ sau khi ngào với đường sẽ có vị ngọt bùi như chè đậu đỏ, mềm mịn bên trong nhưng không bị vỡ nát. Đem hạt dẻ xay nhuyễn cùng sữa tươi, sữa đặc và trộn cùng kem whipping với một vài giọt rượu rum hoặc brandy sẽ tăng thêm hương vị và kích thích vị giác thật khó cưỡng. Hỗn hợp này người ta gọi là kem marrons. 

Nếu như người Pháp coi trọng kỹ thuật và độ tinh xảo chế biến trong ẩm thực nói chung và bếp bánh nói riêng, thì người Nhật lại chú trọng vào độ tươi ngon, chất lượng của nguyên liệu, sáng tạo mẫu mã và thiết kế kiểu dáng. Đó là một trong những điều tôi ấn tượng và bị mê hoặc khi đứng trước mỗi tiệm bánh mà mình ngang qua trong suốt khoảng thời gian sống ở đó. Những chiếc bánh được trang trí tao nhã, nhẹ nhàng, không cầu kỳ không tiểu tiết, nhưng đủ tôn lên vẻ lôi cuốn và tạo sức hút mạnh mẽ. Như thể con người ta sẽ luyến tiếc nếu vô tình bỏ lỡ đi những điều tuyệt vời nhất đang hiện diện ngay trước mặt. 

Theo thời gian, Mont Blanc bây giờ đã có nhiều phiên bản hơn. Ngoài Mont Blanc nguyên bản hạt dẻ, còn có Mont Blanc vị khoai lang vàng, khoai lang tím hay cả vị bí đỏ. Đế bánh không chỉ dùng công thức của bánh tart mà có thể thay bằng cốt bánh gato. Mùi thơm của bơ bột trứng hòa quyện với lớp nhân kem whipping ngòn ngọt mịn mượt bên trong, cùng chút bùi bùi kích thích của lớp phủ kem marrons hạt dẻ bên ngoài hay kiểu dễ chịu của hương khoai lang mang lại cảm giác ngất ngây kèm dư vị nồng nàn đến khó tả. Nó làm tôi không thể nào quên đi dư âm du dương của mùa thu Nhật Bản.    

 Là người mê bếp bánh, nếu một ngày đặt chân đến Nhật, bạn hãy cho phép mình bước thật chậm, ngắm thật kỹ thế giới bánh trái ở đó nhé. Bởi biết đâu bạn sẽ tìm ra cho mình những ý tưởng mới, nguồn cảm hứng mới để phát huy, duy trì hay hiện thực hóa niềm đam mê bếp bánh trong bạn.  

Facebook
Pinterest

Bài viết khác

Obento vào mùa hoa nở

Thời gian là một thứ kỳ lạ. Cho ta tương lai, cho ta hiện tại và cho ta những điều tiếc nuối. Mở ra cơ

Đọc tiếp

Và chúng tôi tiếp tục đợi nhau

Tôi biết một khi chọn cuộc sống xê dịch nghĩa là tôi đã sẵn sàng chấp nhận để nỗi buồn tìm đến, làm xáo trộn

Đọc tiếp

Mont Blanc

Tôi từng hình dung Châu Âu là cái nôi lớn của các thể loại bánh ngọt, nơi đây sẽ là điểm đến tiếp theo cho

Đọc tiếp