Gỏi rong biển chân vịt mặn nồng yêu thương của má
Hôm bữa, tôi đang loay hoay chuẩn bị bữa tối thì nhận được tin nhắn của em gái mình ở quê, em bảo: “Chị Hai có còn nhớ mòn này không? “Món ruột” của má hồi xưa nè. Em thèm quá nên làm ăn đó Hai.”. Xem hình ảnh em gửi mà bất giác tôi thấy nhớ nhà, nhớ má, nhớ món gỏi rong biển chân vịt má làm cho chị em tôi thưởng thức vào những ngày hè khi còn thơ bé.
Hồi đó, cứ mỗi khi thấy má đi chợ là tôi trông ngắn trông dài vì chiếc giỏ của má sau mỗi bận chợ lỉnh kỉnh đồ, luôn có thêm bịch chè, khi thì bánh xoài, lúc thì đùm xoa xoa cho mấy đứa con của má. Có hôm, vừa về đến nhà, má mệt lả người ra, mồ hôi ướt đẫm nơi sống lưng, ngồi nghỉ ở một góc nhà với chiếc giỏ chật ních toàn đậu đường, nguyên liệu má dùng nấu sữa kiếm sống để nuôi cả gia đình. Nhìn má, chị em tôi thấy thương cho nỗi vất vả, nhọc nhằn chợ hôm đường xa, thương bao lo toan, vun vén cho gia đình đè lên đôi vai gầy của má. Vậy mà, trước giờ, chị em tôi cứ hồn nhiên đợi chờ chiếc giỏ đi chợ của má, ngây thơ thỏ thẻ hỏi “Hôm nay đi chợ, má có mua quà cho tụi con không má?”. Tôi nhớ, hôm ấy má đã làm cho chị em tôi một món ăn vừa ngon lại vừa lạ như bù đắp cho ly chè hay chiếc bánh ngọt mà những đứa con của má đã ngóng chờ. Mâm cơm nhà tôi có thêm món gỏi rong chân vịt đậm đà mùi biển, mặn nồng yêu thương của má kể từ dạo đó.
Rong chân vịt tươi má mua từ chợ chỉ hai đến ba lạng, mang đi ngâm qua nước lạnh cho lắng bớt sạn cát. Sau đó, má xả nước và rắc vào đó ít muối rồi bóp nhẹ cho chất nhờn trôi bớt. Tiếp đến, má vớt ra và rửa sạch rong khoảng năm hoặc sáu lần dưới nước vòi để rong sạch trơn và không còn bám mùi tanh. Vì dùng rong biển tươi chế biến nên má bảo khâu sơ chế rong biển bao giờ cũng quan trọng nhất. Nó gần như quyết định độ ngon và sự hấp dẫn của món gỏi này. Sau khi ráo nước, rong có màu nâu nhạt, trong veo, giòn sần sật. Theo chỉ dẫn của má, tôi phụ má cùng ngồi cắt những cọng rong to thành những đoạn nhỏ. Có như vậy, lúc trộn, rong dễ thấm gia vị, nhìn dĩa gỏi tơi ra, nhiều lên, đủ phần ăn cho cả nhà năm người.
Gỏi rong chân vịt của má không thể thiếu tôm. Tôm má chọn là tôm biển loại nhỏ, sau sơ chế thì dã hơi nát, ướp cùng ít tiêu, bột nêm, muối, tỏi và ớt băm chừng mười đến mười lăm phút cho thấm gia vị. Mùi hăng nồng của tỏi cùng mùi cay cay của ớt sẽ làm tôm bớt hẳn đi vị tanh. Má bắt chảo phi dầu phộng với nén cho thật thơm rồi cho tôm vào đảo đều tay đến khi tôm vừa săn lại thì tắt lửa. Bí quyết khiến hương vị món gỏi của má cứ lảng vảng trong trí nhớ của chị em tôi chính là má chẳng khi nào dùng nước mắm ớt tỏi trộn chung vào gỏi rong. Vậy nên, khâu nêm ướp tôm phải cực kỳ vừa vặn để tôm không quá mặn và rong biển sau khi trộn vừa giòn dai vừa thấm tháp, trọn vị.
Má trút rong biển vào chảo tôm còn vương hương nồng nồng của nén phi. Cắt ít rau húng lủi, nặn vào một ít nước cốt chanh và rắc lên trên nhúm đậu phộng vừa rang chín đập dập, rồi trộn đều. Món gỏi rong chân vịt của má thơm lừng cả gian bếp như ôm trọn tất thảy dư vị của thiên nhiên tươi mát giữa ngày hè, như chan chứa bao yêu thương nồng đượm mà má dành riêng cho những đứa con thơ của má. Mỗi lần lăng xăng bên má, tôi nghe như thể hương mùa hè, hương biển quê mãi hoài lao xao trong tâm hồn mình. Dưới tiết trời hầm hập cháy cả mặt đường, món gỏi rong biển chân vịt đậm đà của má giúp thanh nhiệt cơ thể, giải toả đi cảm giác ngột ngạt, xua tan bớt cái nóng đổ lửa của mùa hè quê tôi.
Sau này rời xa vòng tay bao bọc của má, tôi lanh quanh các khu chợ nơi đất khách mà tìm hoài vẫn không thấy mùi vị tươi ngon của gỏi rong biển chân vịt ngày xưa má làm. Một ít rong khô, cùng chén nước mắm ớt tỏi chua ngọt, nhiêu đó thôi đã làm mất đi hương vị trọn vẹn, đủ đầy của món gỏi thơm nồng ký ức trong tôi. Nhưng có lẽ, phần nào đó cách dùng này phù hợp với hoàn cảnh sống của tôi lúc xa nhà, phần nào đó nhắc nhớ tôi về những mùa hè tuổi thơ mát lành và trong veo bên má, bên yêu thương của cuộc đời mình.