Hinase và món cà ri Nhật

Có những người ngang qua đời ta để lại trong ta những bài học giá trị về lẽ sống. Có những chuyến đi mang ta đến với hành trình vạn dặm để ghi dấu những bước chân để giúp ta nuôi dưỡng cảm xúc rất đời. Và để ta học cách làm người. 

Ga Hinase chẳng có gì thay đổi, lúc nào cũng đứng đó trong dáng vẻ trầm mặc tiễn kẻ đi đợi người về. Từ ga, chúng tôi bắt phà sang đảo Kojima, nơi buổi dã ngoại diễn ra 3 ngày 2 đêm. Trên đảo, nhà cửa thưa thớt và yên ắng. Sự ẩn hiện của những mái nhà xinh xắn núp sau những con dốc cao chót vót làm cho đảo mang dáng vẻ vừa huyền bí vừa li kì. Nhà ở đây được dựng lên từ những vách núi sừng sững bằng những cột gỗ hay khối sắt chịu lực chịu mặn tốt. Nhìn từ xa trông như người ta đang đứng trên đôi cà kheo chập chững hướng ra biển lớn. Đảo không hẳn là nơi trú ngụ của cư dân sống bằng nghề biển, đó còn là nơi lui tới nghỉ dưỡng của những người yêu núi non sông nước, chọn đảo như chốn dừng chân lý tưởng để trốn cái nắng hừng hực ở phố thị hay để tránh những xô bồ, vồn vã của cuộc sống thực tại. 

Cứ sau mùa đào nở, cô giáo tiếng Nhật của tôi thường tổ chức một buổi dã ngoại ở đảo dành cho lớp vì hằng năm lớp luôn có học viên mới. Hơn nữa, cô muốn tạo điều kiện để những học viên đến từ các quốc gia khác nhau có cơ hội giao lưu, gần gũi nhau hơn, là dịp để mọi người biết thêm một vùng đất mới, khám phá thêm bản sắc văn hóa của nước Nhật . 

Tôi và lớp đến đảo trong một ngày mưa. Sự hoang vắng, lặng yên càng hiện ra rõ nét hơn khi đảo chìm trong những cơn mưa đầu hạ. Dường như chim chóc cũng đã tìm cho mình một nơi an toàn trú ẩn. Người từ đảo lên phà không có, chỉ có chúng tôi ôm lỉnh kỉnh đồ đạc từ đất liền hướng về đảo. Không gian tĩnh mịch bị phá tan bởi sự háo hức, vui tươi pha lẫn chút mệt nhoài của đoàn người mong ngóng gặp đảo sau hơn hàng giờ di chuyển, đổi tàu và chờ phà. Đó là lần thứ hai tôi ghé thăm đảo. 

Tôi thích căn bếp có ô cửa nhỏ đủ nhìn ra không gian xanh mướt và tĩnh lặng ở bên ngoài. Căn villa cô mượn của người anh ruột được trùm lên bởi một mùi hương thơm nồng, kích thích vị giác, đặc biệt gần đến giờ cơm trưa. Nó là kiểu mùi vừa đỗi quen thuộc vừa rất gợi nhớ. Nó như chất xúc tác xâu ghép những mảnh ký ức khi thì rời rạc khi thì hằn rõ hình bóng của người cũ đã ghé qua và gửi lại đó bao khoảnh khắc đẹp đẽ trong chuyến đi lần trước. 

Những củ hành tây trắng được cắt mỏng và đảo đều trên chảo dầu nóng đến khi quyện thành một màu nâu caramel dậy mùi. Cô thường chọn hành tây trồng ở đảo Awaji, thổ nhưỡng ở đó cho ra giống hành tây ngọt vị, hàm lượng đường cao, khi phi nóng dễ cho ra thành phẩm màu nâu như mong đợi. Thịt gà và khoai tây sau khi sơ chế, cắt khối vuông nhỏ và cho vào chảo hành caramel khuấy đều, thêm nước và ninh lửa vừa đến khi mềm. 

Với cà ri Việt Nam, người nấu thường dùng cà ri bột, tự nêm nếm thêm gia vị, cho vào ít sả cây để cà ri có mùi thơm dễ chịu, thêm nước cốt dừa hay có khi là sữa tươi giúp cà ri có vị béo béo sóng sánh. Còn hương vị tạo nên món cà ri kiểu Nhật là một dạng viên nén đã chứa sẵn gia vị và chia thành loại cay, ít cay, ngọt. Vì vậy, sau khi ninh rau củ và thịt mềm thì cắt nhỏ viên cà ri rồi cho vào nồi khuấy nhẹ đến khi cà ri tan quyện vào lớp rau củ và bám đều vào từng thớ thịt. Đun thêm ít phút đến khi nước cà ri sánh đặc, mịn mượt và óng ánh. 

Sau lần ăn cà ri Nhật ở tiệm Cocoichi tôi không muốn ghé vào bất kỳ tiệm cà ri Nhật nào nữa, vì tôi nghĩ cà ri Nhật ở đâu cũng giống nhau vừa mặn vừa nồng, chẳng ngon bằng cà ri Việt Nam hay cà ri Thái. Lạ thay, cà ri Nhật qua đôi tay của cô khiến một người Việt không thích vị cà ri Nhật phải thay đổi quan điểm khi đưa ra nhận định hay đánh giá về độ ngon của một món ăn nào đó. Có lẽ, ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng là thứ tác động mạnh mẽ nhất đến cảm xúc và ở lại lâu nhất trong trí nhớ của một người. 

Cô giáo tôi là một người rất chu đáo, cẩn thận và cầu toàn. Có thể đó là những đức tính mà mỗi người Nhật đều đang sở hữu. Tuy vậy, điều làm cho mỗi lứa học trò đi qua và ở lại bên cô luôn cảm mến và biết ơn một người làm nghề giáo như cô ở sự nhiệt thành, tốt bụng và luôn bao dung với những mảnh đời tha hương đang kiếm tìm cuộc sống tốt đẹp trên đất nước cô. Mỗi dịp đi chơi như vậy là một cơ hội để chúng tôi có thêm hiểu biết về văn hoá, ẩm thực, nếp sống của người Nhật. Để chúng tôi dễ dàng chấp nhận xếp lại nếp sống cũ mà tập làm quen với nền văn hoá hoá, ẩm thực mới, con người mới. Đó là cách nhanh nhất để mỗi người xa quê có thể hòa nhập, tồn tại và phát triển bản thân ở một xã hội mới với nhiều chuẩn mực đạo đức, quy tắc sống nghiêm ngặt. Hẳn vì lý đó mà trước, trong và sau chuyến đi, cô như một người mẹ trong vai trò của người thầy luôn dặn dò, chỉ bảo tận tình và nghiêm khắc đối với hành vi, ứng xử trong sinh hoạt của đám học trò dù tuổi đã hơn đôi mươi. 

Tôi từng nghĩ nước Nhật chẳng thể nào làm tôi lưu luyến sau chừng ấy năm tôi đã chọn sống hết mình và trọn vẹn với nơi ấy. Nhưng có lẽ nước Nhật trong tôi quá đỗi đẹp đẽ vì những thứ tôi nhận được nhiều hơn là cho đi. Nó khiến tôi không khỏi bồi hồi mỗi lần nhìn thấy một hình ảnh thân quen nào đó hiện lên trên trang Facebook cá nhân của cô. Nó thôi thúc tôi viết lại những dòng cảm xúc đã thuộc về dĩ vãng nhưng mãi còn vẹn nguyên như ngày hôm qua.

Cuộc sống là chuỗi những lần hợp tan, có buồn có vui, có nuối tiếc có nhớ thương. Dù thế nào, bạn và tôi hãy cùng trân trọng mỗi cuộc gặp gỡ quanh mình vì biết đâu nó chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong đời. 

Facebook
Pinterest

Bài viết khác

Cơm tấm Sài Gòn

Nồng thơm cơm tấm Sài Gòn Tôi không nhớ rõ một ngày mình đã chạy qua bao nhiêu con đường, len lỏi vào bao ngõ

Đọc tiếp

Lang thang Kobe

Có một ngày đi qua những ngõ ngách trong lòng Kobe, tôi chợt nhận ra Kobe mang trong nó những nét đẹp vừa lạ nhưng

Đọc tiếp

Cơm nhà ngày mưa

Chừng nào còn giữ được niềm vui nhỏ của những bữa cơm nhà, hạnh phúc của mỗi đứa trẻ sẽ tiếp tục được nuôi lớn

Đọc tiếp