Trước khi máy bay cất cánh lúc trời sập tối, tôi thường dặn ba hoặc mấy đứa em mua giúp tôi vài ổ bánh mì ăn khuya, cái món tôi khoái nhất mỗi lần bay về Đà Nẵng. Không hiểu vì lý do gì mà mùi vị của những ổ bánh mì tôi đã từng nếm qua, đã từng thích thì sẽ không thể nào quên. Vì xa nhà cũng đã lâu, tôi ủ mưu làm lại chúng theo cái vị của những hàng quán mà tôi đã từng ăn.

Bánh mì gà, ổ bánh bé bằng lòng bàn tay, bơ trứng gà béo béo kết hợp dưa chua đu đủ, cùng vị cay cay ngọt ngọt của tương ớt rim, quán tên Mỳ Gà Hạnh ngay ngã ba Trần Cao Vân. Bánh mì gì ăn một ổ chưa đã, lớn rồi, làm ra được tiền rồi, ghé đó là phải mua 2 ổ trở lên, ăn bù cho cái thời cắp sách đến trường, sách vở thì nhiều mà tiền thì không có.

Bánh mì thịt chả pate, ngay góc Hà Huy Tập và Kỳ Đồng, mọc ngay dưới trụ điện, vậy mà tồn tại qua năm tháng. Tôi được thưởng thức ổ bánh mì béo ngậy nhờ pate thơm lừng, ngon đến từng tế bào trên đầu lưỡi, đó là lần đầu tiên đứa bạn học cùng lớp cấp 3 cho tôi ăn ké. Kể từ lúc đó tôi bị ghiền mùi vị của nó và thế là hôm nào tôi thèm ăn thì dặn bạn mua giùm nếu tiện đường nó đi học. Sau này ra trường, những ngày còn ở Đà Nẵng hay những khi sống xa quê mà có dịp bay về, đó là một trong những món ăn phải gọi là “the must eat bread” của tôi.

Bánh mì Bà Lan, nghe cái tên chắc người Đà Nẵng ai cũng biết. Tôi không biết quán nào là quán gốc vì tiệm bánh Bà Lan mọc lên ở rất nhiều nơi trong nội thành Đà Nẵng, kiểu như cùng tên mà khác đường. Nhưng chung quy lại, cứ quán nào đóng cửa là tôi chạy xe sang con đường khác tìm đúng cái vị mà tôi đã lỡ thích. Trưng Nữ Vương mà đóng thì sang Triệu Nữ Vương. Còn không thì quay xe về Lê Duẩn. Tôi không rõ mấy chủ quán có họ hàng bà con với nhau ở đâu không, nhưng thực sự dù là bánh mì que hay pate, thứ làm nên mùi vị đặc trưng của những ổ bánh mì ở đây chính là pate và thịt nguội dính với lớp mỡ khó đỡ, mà nếu lỡ đã ăn rồi không dễ gì quên hẳn được.

Bánh mì thịt nướng, ngay góc Đỗ Quang với Nguyễn Văn Linh. Đó là những ổ bánh thơm lừng mùi thịt sả, quyện với mùi khói nướng trên những chiếc xe đẩy cũ kĩ nhưng lại vô cùng giá trị với người bán rong. Nhìn gỉ sét, cũ tí thôi mà lại là nguồn thu nhập chính nuôi sống cả một gia đình đâý không chừng.

Và ai đã từng đi ngang qua hướng Đà Nẵng-Tam Kỳ hay đã từng đọc sách của chú Ánh chắc cũng biết chút ít về Hà Lam. Hà Lam chẳng phải là thị trấn giàu có, cũng chẳng phải là nơi phố hội, có lẽ cũng không mấy ấn tượng với bất kỳ ai, ngoại trừ những người đã từng dừng chân ở đó, ăn vội một ổ bánh mì chả bò que. Đây có lẽ là ổ bánh mì rẻ nhất, đơn giản nhất, dễ làm nhất nhưng vị của nó lại đi thẳng xuống bụng, chạy vào tim và lưu tại não giúp tôi có thể nhớ rõ về nó nhất. Cô bán quán chỉ việc rạch ổ bánh mì, cho ít rau, vài lát dưa, một cây chả, ít nước tương, xíu ớt, vậy mà ăn thiệt ngon. Cái ngon, nó không đến từ những thứ kì công cầu kì mà nó đến từ sự bình dị của người bán, từ ổ bánh mì ít nhân nhưng lại mang đậm cái chất làm nên hương vị vùng miền.

Không tin, bạn cứ bắt xe đến Hà Lam, xuống đó ăn một ổ bánh mì rồi quay lại Đà Nẵng, xem thử bạn có nhớ về Hà Lam qua ổ bánh mì hơn hay là qua những câu chuyện trong trang sách của chú Nguyễn Nhật Ánh.

Facebook
Pinterest

Bài viết khác

Mì Gyusuji Udon

Đã vào cuối tháng ba nhưng nắng chưa chịu về, mây không vội tan, tuyết chưa ngừng rơi, cảm giác mọi thứ xung quanh tôi

Đọc tiếp

Bánh nậm bánh gói

Ai ăn bánh nậm bánh gói bánh bột lọc không? Để đánh giá một món ăn ngon, bạn thường dựa trên tiêu chí nào? Với

Đọc tiếp

Okonomiyaki

Cứ mỗi lần nghe nhạc của Kobasolo làm tôi lại nhớ đến những ngày thử việc ở tiệm bán yakisoba (mì xào soba) và okonomiyaki

Đọc tiếp