Những ngày còn đạp xe ngang dọc trên các cung đường thơm mùi lúa chín hay ngập sắc hồng xuân của những rặng anh đào dài thẳng tắp ở Nhật, không hiểu sao tôi thấy bồi hồi và nhớ Nhật da diết, như thể tôi đang cách xa nó hàng ngàn cây số. 

Cô bảo Nhật đang vào mùa nóng khủng khiếp, chiều đã tắt nắng nhưng mấy tảng đá ngoài hiên vẫn nóng râm ran. Có lẽ, mức nóng mùa hè năm nay là trải nghiệm đầu tiên trong suốt 83 năm qua của đời cô. Cô là cô giáo dạy tôi tiếng Nhật 3 năm về trước. 

Những ngày đầu tiên đến lớp, tôi thầm mong mình được học với những cô giáo trẻ, bởi như vậy tôi có thể dễ dàng giao tiếp, cởi mở đặt câu hỏi và tìm kiếm sự đồng điệu trong lối sống và suy nghĩ của người trẻ. Chẳng hiểu sao thỉnh thoảng điều tôi không nghĩ tới lại trở thành những chuyện bất ngờ vượt trên cả mong đợi. Cô xuất hiện như thế giữa đời tôi. 

Cô là một giáo viên dạy tiếng Nhật không chuyên đã hơn chục năm nay, cô bước vào nghề năm cô 70 tuổi. Chắc bạn sẽ thắc mắc 70 -80 tuổi rồi thì làm được gì nữa phải không? Tôi cũng từng không thốt nên lời khi cô cho tôi biết điều đó. Ở Nhật, hỏi tuổi phụ nữ là hành động khiếm nhã nên người ta sẽ để bạn đoán già đoán non, đoán đến hết năm hết tháng hết ngày luôn thôi. Theo thống kê của diễn đàn kinh tế thế giới, tỷ lệ bất bình đẳng giới ở Nhật khá cao so với các nước khác nhưng con số đó không cho biết niềm hạnh phúc của phụ nữ Nhật khi họ chọn trở thành người phụ nữ của gia đình. Con số đó cũng không khẳng định mức độ hài lòng về cuộc sống của phụ nữ Nhật khi họ chọn tận tâm quán xuyến việc nhà, tận tình với chồng con, khi họ chọn mang trọn niềm vui vào bữa cơm gia đình. Cô tôi là người phụ nữ hạnh phúc vì gia đình không nằm trong con số đó. 

Những người phụ nữ Nhật chưa bao giờ ngơi nghỉ kể cả khi họ đã đi qua một quãng đường dài của hành trình làm người. Chẳng phải vì họ nghèo khó, chẳng phải vì họ giàu sang, mà bởi lẽ lao động và được lao động đôi khi chính là cách nuôi dưỡng niềm vui trong họ mỗi ngày. Đó cũng là lý do giải thích vì sao người Nhật lại có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. 

Tám mươi đâu làm cô tôi dừng lại việc học. Cô học Yoga, học tiếng Anh, học cách làm thiệp trên máy tính, học thêm phương pháp dạy tiếng Nhật…

Tám mươi đâu làm cô thôi yêu những công việc nhỏ nhặt hàng ngày. Cô thêu thùa, cô chăm bón những bông hoa trong vườn tỉ mỉ, cô yêu cây cối như đó là cách cho cô tìm về bình yên trong những hoang mang, lo lắng của tuổi già nhớ nhớ quên quên. Đó cũng là cách nâng niu một tâm hồn mong manh trú ngụ trong một cơ thể đang lặng lẽ bước về con dốc bên kia của cuộc đời.

Tám mươi đâu làm cô ngừng tự lo cho bản thân khi người bạn đời bao năm chung sống đã ra đi vì bệnh tật. 

Tám mươi chẳng thể khiến người phụ nữ chân đi không vững, lưng đã còng, làn da hằn nhiều nếp nhăn ấy từ bỏ xê dịch, từ bỏ di chuyển và ngưng rèn luyện thể chất. 

Tám mươi hẳn không thể tước đi ước mơ muốn sống hết mình của một phụ nữ hiểu bản thân, sống có mục tiêu, có kế hoạch và dự định rõ ràng cho đoạn đời đếm bằng ngày của họ ở phía trước. 

Thỉnh thoảng, tôi bỗng nhớ về nước Nhật khôn nguôi chỉ bởi một loài hoa quen thuộc, một dáng hình thân quen nào đó tôi tình cờ gặp ở cái vùng lạnh lẽo xa xôi này. Nỗi nhớ cứ thế lớn dần lên trong tim tôi, vỡ òa khi những dòng tin nhắn Line xuất hiện:

Nhung ơi! Em khỏe không?

Hãy tận hưởng cuộc sống ở Thụy Điển đi nhé! 

Cô sẽ cố gắng sống thật khỏe thật lâu để chờ ngày gặp lại em đấy. 

Chà, hẹn gặp em nhé!

Facebook
Pinterest

Bài viết khác

Cơm tấm Sài Gòn

Nồng thơm cơm tấm Sài Gòn Tôi không nhớ rõ một ngày mình đã chạy qua bao nhiêu con đường, len lỏi vào bao ngõ

Đọc tiếp

Điều ngọt ngào của chiếc Flan

Sau lần đến phỏng vấn tìm việc tại một cửa hàng ở Kobe, nơi chuyên bán các loại đồ ngọt làm từ những quả táo

Đọc tiếp

Chè trôi nước

Ngồi giữa mùa hè ăn chè trôi nước Không nhớ rõ lần cuối tôi cầm chén chè trôi nước trên tay là lúc nào. Chắc

Đọc tiếp