Giữa Sài Gòn phố thị, tìm mấy món ăn dân dã, đặc trưng vùng miền không khó. Đến Bàu Cát ai đó cũng dễ dàng tìm cho mình một địa điểm để thỏa mãn cơn thèm thuồng chút mặn mà trong tô bún mắm heo quay thịt luộc, bánh đập mắm nêm hay bánh tráng cá nục hấp…Chạy xe qua Phú Nhuận lại chưa bao giờ thiếu mì Quảng gà, cơm hến cay nồng vị Huế … Nhưng có một món ăn mà bao lâu nay dù có ngang dọc khắp các ngõ ngách của Sài Gòn, kể cả những con hẻm ở ngã Tư Bảy Hiền, tôi vẫn chưa thấy được một tô mì Quảng Phú Chiêm trọn vị nỗi nhớ, đủ đầy mùi quê.
Từ bé, tôi và những đứa trẻ sống trong khu xóm phố chật hẹp gần nhà nội đã có dịp làm quen với thế giới ẩm thực thu nhỏ, với đủ các loại món ăn được bày bán vào mỗi buổi sáng sớm. Dường như, lũ trẻ thế hệ tôi khi ấy được nuôi dưỡng và lớn lên trong niềm vui sướng được tự do lựa chọn, khám phá đồ ăn mỗi sáng. Vì thế, khả năng cảm nhận cái ngon cái dở, hiểu về sự đổi mới biến hóa muôn hình của ẩm thực theo thời kỳ hay việc tôi tự tin vào bếp ở hiện tại ít nhiều gom nhặt được từ những trải nghiệm thú vị, từ ký ức tuổi thơ đẹp đẽ với những món ăn bình dị.
Mì Quảng của bà Tư có lẽ là gánh mì ngon nhất, chất đầy tuổi thơ tôi. Nó xuất hiện ở đầu hẻm nơi tôi sống cùng nội vào những năm 97-98. Nó mang đến một màu sắc mới, một mùi vị mới, một món ăn mới cho những đứa trẻ và người dân phố thị nơi gánh mì của bà dừng chân khi đó. Nó chẳng giống với sợi mì cô bác trong xóm lâu nay hay bán, hương vị khác hẳn với món mì mà nội hay mấy dì tôi làm vào ngày giỗ chạp. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết người Quảng có món mì Quảng thật đặc biệt.
Mì bà Tư phải trụng qua nước sôi trước khi cho vào tô nên sợi mì mềm, dễ quyện với mùi vị của nước dùng. Nước dùng sóng sánh đỏ au ngọt vị, với những lát thịt heo ba chỉ xắt mỏng thấm vị mặn ngọt, khi ăn lớp mỡ béo ngậy tan trong miệng ngon lành mà không ngấy. Mấy con tôm đỏ mềm ngòn ngọt rim cùng trứng cút thấm tháp mang đến cho thực khách cảm giác khó cưỡng, bao giờ cũng muốn ăn thêm tô mì thứ 2 để thỏa mãn cơn ghiền.
Rau sống trong gánh mì cũng là thứ góp phần làm cho tô mì trở nên trọn vị, khác biệt. Ở đó, có rau cải con, có bắp chuối, húng quế, rau đắng…Tất cả là mùi hương xanh mát nhất, đặc trưng nhất của miền đất Quảng nắng lửa mưa dầm. Đứa trẻ ghét rau như tôi chưa bao giờ bỏ đi bất kỳ cọng rau nào khi cầm tô mì trên tay.
Nội tôi mỗi lần ăn mì bà Tư đều tấm tắc khen lấy khen để nhưng mà nấu cho ra được nồi nước dùng thơm ngon đậm đà như bà Tư đâu có dễ. Cái gì ngon lành, hay ho và có thể kiếm ra tiền thường được người ta giữ kín như là bí quyết gia truyền, là tài sản để dành của cuộc đời họ. Khác bây giờ, mọi thứ đều có thể học hỏi, chia sẻ qua các trang mạng xã hội một cách rộng rãi. Ẩm thực theo đó mà trở thành một thế giới phẳng, giúp con người ta nguôi ngoai nỗi nhớ hương vị quê nhà dù đang ở bất kỳ nơi đâu trên hành tinh này.
Ăn mì bà Tư phải chờ đợi. Khách lúc nào cũng ngồi sẵn quanh gánh mì của bà chờ bữa sáng. Một mình bà xoay xở với bao nhiêu thứ trong khung giờ cao điểm nhưng luôn mang đến cho thực khách một bữa sáng ngon lành đủ để khơi dậy niềm vui đầu tiên của một ngày mới. Con người ta thật kỳ lạ, trong chốc lát có thể biến mình thành một người hoàn toàn khác. Khó chịu, gắt gỏng và bất chấp hòa vào đám đông một cách vội vàng, hối hả khi xếp hàng ở sân ga, bến tàu hay khi kẹt xe giữa đường phố nhưng lại có thể kiên nhẫn, thong thả đợi chờ cho đến khi một món ăn được phục vụ. Phải chăng vì được ăn là một dạng hạnh phúc?
Năm 2004 là thời điểm những gánh mì mang hình dáng của bà Tư đã phủ khắp các con đường trong nội thành Đà Nẵng. Đó là khi mì Quảng Phú Chiêm trở thành món ăn không thể thiếu trong ẩm thực Đà Thành. Đó cũng là lúc làng mì Phú Chiêm – Quảng Nam được người ta biết đến qua truyền miệng, qua báo chí và đi xa hơn nữa đến ngày hôm nay. Tôi không biết bằng sự kỳ diệu nào mà những người phụ nữ đất Quảng có thể gồng gánh tất cả trên đôi vai nhỏ bé, gầy gò của họ và âm thầm làm nên giá trị ẩm thực vô hình của một vùng miền.
Tôi cũng đã đi xa, tôi tìm đến Sài Gòn như để gửi gắm bao khát vọng của tuổi trẻ. Nhưng Sài Gòn dù giàu có mấy, đủ đầy bao nhiêu cũng không thể ôm trọn nỗi nhớ của người ly hương. Vì lẽ đó mà hành trình về nhà của tôi hay của những người con xứ Quảng xa quê vào dịp lễ Tết bao giờ cũng rạo rực, mong đợi và ngập tràn ý nghĩa. Bởi ở đấy có những gương mặt thân thương luôn ngóng chờ ngày ta trở về mà không quên chuẩn bị sẵn cho ta một món ăn mặn mà tình quê, đậm đà ký ức – mì Quảng Phú Chiêm.