Bánh ít lá gai gói ghém tình mẹ

Trời những ngày giáp tết năm nay mưa liên miên, không khí ẩm thấp, quang cảnh ảm đạm. Nhìn ra ngoài sân rêu đã đóng thành từng chùm, mẹ bảo: “Chưa có cái Tết nào như Tết này, không thấy nắng trơn”. Nhưng dường như tôi nhận ra chưa có cái Tết nào mẹ vui như Tết này. 

Căn bếp mới sáng đã ám mùi hơi khói, lửa đỏ riu riu. Mấy chú mèo con mẹ nuôi tranh thủ vùi mình trong đám tro tàn quanh bếp lim dim ngủ. Hơi ấm tỏa ra từ đó và bao căn bếp trong xóm có vẻ như đang xua đi bớt cái lạnh tê tái buổi sớm ở miền quê thôn núi. 

Những ngày vắng bóng mấy đứa con, nhà còn hai người, sức ăn không bao nhiêu, bếp vì thế ít đỏ lửa hơn và trở thành nơi ra vô chỉ để nhen nhóm dăm ba nồi cám cho đàn bò con. Nỗi nhớ con cứ thế mà tích tụ dần chưa một ngày vơi đi trong tâm trí mẹ. Con mẹ nuôi lớn, đứa nào cũng đi làm ăn xa, mấy cái Tết mùa dịch không ai về nhà, mẹ cứ thế mà lủi thủi, buồn man mác, tâm sinh bệnh. Mỗi lần gọi về nhà, lúc nào tôi cũng thấy mẹ khóc. Có lẽ, một khi con người ta bước sang tuổi già, nỗi sợ, nỗi nhớ đi kèm nỗi lo của họ cứ thế cộng dồn rồi nhân lên qua năm tháng. Nó vô hình trở thành một tảng đá nhấn chìm sự sống bên trong tâm hồn họ. 

Tết này, nhà mẹ không chỉ rộn ràng với âm thanh ngao ngao của lũ mèo, tiếng chim chíp của mấy chú gà lang thang trong sân mà nay còn rôm rả tiếng cười nói của con cháu trở về. Bếp mẹ cũng vui hơn, bập bùng lửa, lòng mẹ như được sưởi ấm vì có những đứa con. 

Mẹ loay hoay trong gian bếp nhỏ nướng ít bánh tráng cho bữa trưa, rồi chụm thêm mớ củi khô để nấu nồi nước đường làm bánh ít lá gai. Thứ thức quà quý truyền thống ngày Tết mà ba mẹ vẫn luôn tâm niệm lưu lại và truyền cho con cháu đời sau. Mẹ bảo: “Mấy năm trước không có đứa nào ở nhà, ba mẹ chỉ nấu mỗi bánh chưng. Nay nhà đông đủ ba mẹ muốn gói thêm chút bánh ít như những cái Tết khi các con còn nhỏ”. Với tôi, được nhìn ba mẹ làm bánh, được ngồi cùng anh chị em trong nhà tự tay làm ra những món ăn ngày Tết là một niềm vui. Bởi khoảnh khắc này mới gọi là đoàn viên, là sum vầy trong không khí đón mừng Tết Việt. 

Lá gai mọc sau vườn bao kể, mẹ canh ngày có nắng hái về phơi khô rồi đem đốt thành tro, cho vào hũ nhựa bảo quản. Những năm còn sức khỏe, nhà có trồng thêm vài mẫu nếp để dành cho mùa Tết nấu bánh. Giờ đây khi cơ thể của ba mẹ đến ngày không thể chạy đua với thời gian, mẹ dặn bà con trong xóm để lại vài ký nếp sau vụ mùa, rồi Tết đem đi máy bột. Ở miền Trung, cứ hễ giỗ chạp hay Tết quẩy, mâm cơm cúng lúc nào cũng có xôi đường và bánh ít. Chúng là thành phẩm của hai nguyên liệu chính nếp và đường bát. Thiếu đường bát, mấy món xôi bánh truyền thống này như mất hẳn đi linh hồn làm nên nét đặc trưng của ẩm thực xứ Quảng. 

Nước đường bát sau khi thắng, trộn chung với bột lá gai thành hỗn hợp có màu tro đen sền sệt. Khi hỗn hợp nước đường còn nóng hổi, đổ từ từ vào thau bột nếp và khuấy đều tay. Cả nhà được một nồi bột bánh ít sẵn sàng cho mẻ bánh mùa Tết năm nay. Lá chuối ba cắt từ cây xuống, mang hơ qua lửa, lau sạch rồi cắt nhỏ thành cả trăm cái tròn như cái dĩa cho tiện gói. Đậu xanh ngâm qua đêm, hấp chín, đánh nhuyễn trộn với đường trắng để làm nhân bánh. Bao giờ công đoạn chuẩn bị cũng tốn thời giờ và yêu cầu sự chỉn chu nhất định. Đó là một trong những lý do khiến nhiều gia đình bây giờ không còn mặn mà giữ lại tục lệ làm bánh ngày Tết như xưa. 

Gói bánh có lẽ là khâu vui nhất và chộn rộn nhất. Mỗi người một tay cặm cụi nhìn ba mẹ bắt chước gói bánh. Mấy đứa cháu ở tận Sài Gòn, lâu thật lâu mới có dịp về quê ngoại ăn Tết nên đứa nào cũng hăm hở khám phá và trải nghiệm nét văn hóa đẹp đẽ của một mùa Tết quê. 

Nhìn nụ cười của mẹ, ánh mắt của ba và niềm vui lan tỏa trên gương mặt của tụi nhỏ cảm giác như Tết đã về ngập tràn trước hiên nhà, mặc kệ cái vẻ u buồn lê thê của những ngày mưa. Tết trong tôi là những ngày giáp Tết đầm ấm, an vui như vầy. 

Tôi biết rồi mẹ sẽ lại khóc lại buồn khi những đứa con lần lượt rời quê ra phố để quay lại cuộc sống cũ sau Tết. Nghĩ vậy thôi cũng làm tôi chùn lòng trong chốc lát. Tôi không chắc rồi chúng tôi có cùng ba mẹ đón những mùa Tết sau không nữa? Nhưng tôi tin ba mẹ sẽ chờ, chờ những đứa con của mình sẽ trở về mừng Tết. 

Facebook
Pinterest

Bài viết khác

Cơm tấm Sài Gòn

Nồng thơm cơm tấm Sài Gòn Tôi không nhớ rõ một ngày mình đã chạy qua bao nhiêu con đường, len lỏi vào bao ngõ

Đọc tiếp

Bánh mì

Trước khi máy bay cất cánh lúc trời sập tối, tôi thường dặn ba hoặc mấy đứa em mua giúp tôi vài ổ bánh mì

Đọc tiếp

Và chúng tôi tiếp tục đợi nhau

Tôi biết một khi chọn cuộc sống xê dịch nghĩa là tôi đã sẵn sàng chấp nhận để nỗi buồn tìm đến, làm xáo trộn

Đọc tiếp