Chén trà thơm mùi ký ức

Khi bước đến một độ tuổi chín mùi nào đó, con người ta sẽ có những thay đổi nhìn nhận khác về cuộc đời. Như cách một đứa bé chẳng ưa nổi vị đắng của một ngụm trà nhưng lại thấy trở nên buồn tẻ nếu mỗi ngày thiếu đi những chén trà đằm vị, ngọt hậu một khi nó đã đi qua hơn nửa chặng đường của đời người.  

Trong những năm tháng sống ở Nhật, người tôi thân và bạn bè tôi quen là những người đã có tuổi. Gọi là có tuổi vì hầu hết họ hơn tôi cả chục đến vài chục tuổi. Khoảng cách tuổi tác chẳng thể nào ngăn nổi sự đồng điệu trong suy nghĩ và những chia sẻ của chúng tôi về cuộc sống. Thỉnh thoảng, chúng tôi ra quán hay được mời về nhà một ai đó để cùng nhau húp một ngụm trà ăn một miếng bánh, chiêm ngưỡng khung cảnh thanh bình qua ô cửa nhỏ và lặng nhìn bước chân trên hành trình mỗi người đi qua và sẽ đến. Mọi câu chuyện của chúng tôi luôn được gợi mở và bắt đầu từ những bữa tiệc trà nhẹ nhàng như thế. 

 

Bên chén trà với những người lớn tuổi, tôi thấy đâu đó hình bóng của nội, người mà mỗi khi uống trà biết rõ ngọn ngành từng loại trà, pha như thế nào cho đằm vị, uống sao để cảm nhận rõ mồn một độ ngon của trà. Tôi nhớ nội có thói quen nấu sẵn nước sôi và giữ ấm trong bình thủy, rửa chén tách thật sạch sẽ vào mỗi sáng và pha một bình trà nóng rồi ngồi nhâm nhi đọc báo. Đó là cách ông thong thả bắt đầu một ngày mới. Người biết uống trà như ông chưa khi nào để thời gian làm phiền khoảng không gian riêng tư của mình. Đôi khi, nhà hết trà gói ông lại nhờ tôi chạy lên xóm chợ mua giúp ông bó chè tươi về nấu tạm. Chè tươi có vị hơi chát, không đắng như trà khô. Uống trà trở thành nếp sống của ông, thiếu nó như thể nhà vắng bóng ông. Tôi nghĩ mình chẳng có chút hiểu biết nào về trà nhưng hóa ra thứ thức uống tưởng chừng như đắng chát ấy lặng thầm gắn liền ký ức một thời của tôi về ông.

Trà ngày nay đã được người ta biến tấu đóng chai mang đi và hương vị cũng đa dạng hơn nhiều để đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng. Thời gian đầu làm việc ở cửa hàng tiện lợi, tôi vô cùng bối rối khi phải đảm trách công việc xếp những chai trà và đồ uống giải khát lên kệ. Tôi không thể đọc được hết tên gọi của sản phẩm khi đứng giữa một kho hàng với vô số chủng loại trà, nước uống của bao nhiêu hãng sản xuất lớn nhỏ khác nhau ở Nhật. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến lúc đó là mình nên lần lượt mua từng loại trà uống thử để vừa nhớ tên vừa biết thêm thế giới trà Nhật, để sau này tiện mua về làm quà cho nội.

Rõ ràng, trà đóng chai tiện lợi, không tốn thời gian chế biến, vừa tiết kiệm vừa có thể thử được nhiều loại khi muốn thay đổi khẩu vị. Uống nó chỉ để xoa dịu cơn khát tạm thời. Trà đóng chai không thể nào thay thế hẳn trà truyền thống. Bởi lẽ, tự thân trà truyền thống đã giữ cho mình một chỗ đứng nhất định trong văn hóa ẩm thực và cuộc sống của con người. . 

Nhắc đến trà Nhật, người ta sẽ gọi tên Matcha. Nó là một loại trà bột rất có quyền năng. Nó không chỉ xuất hiện trong trà đạo mà còn chiếm lĩnh chỗ đứng đầy màu mỡ trong thế giới đồ ngọt. Kem trà xanh, bánh kẹo trà xanh, thức uống trà xanh…Tôi thích tất cả những sản phẩm làm từ bột matcha bởi vị đắng nhẹ của nó khi kết hợp với chút ngọt của đường, chút béo của sữa kem sẽ tạo nên một hương vị vô cùng hoàn hảo. 

 

Đến Nhật mà chưa một lần thưởng thức trà đạo là một thiếu sót. Cái ngon của trà không chỉ đọng lại ở bát trà mà lan tỏa ra cả một không gian trang trọng tĩnh mịch đậm chất truyền thống của một nước Nhật giàu có. Nghi thức, lễ nghĩa của nghệ nhân pha trà và người nhận bát trà làm tôn lên giá trị và vẻ đẹp văn hóa của trà đạo. Khi ngồi trong căn phòng nhỏ, được nghe giới thiệu về các loại dụng cụ trà đạo, được mời nếm thử chiếc bánh ngọt nerikiri wagashi trước khi thưởng trà, một người trẻ như tôi thật sự không thể thôi thổn thức, lay động trước những điều đẹp đẽ mà con người tạo nên và gìn giữ.  

Tuy tôi lớn lên ở một đất nước cũng sản xuất và tiêu thụ trà đáng kể nhưng tôi không có một khái niệm nào về trà hay thích thú với việc uống trà, ngoại trừ trà đá. Thói quen của tôi đã thay đổi đi nhiều. Có lẽ vì tôi đã lớn, cũng có thể vì tôi đã biết rung cảm trước những điều hay ho thú vị của cuộc sống quanh mình ở hiện tại. 

Nếu bạn cảm thấy trà đắng vị, không hợp gu mình, bạn có thể bắt đầu bằng cách ăn một miếng bánh ngọt bạn yêu thích, sau đó hãy thử húp một ngụm trà. Chút đắng của trà sẽ hòa quyện với vị ngọt còn bám lại trên đầu lưỡi sẽ khiến bạn dần thích trà hơn. Trà lài hay hojicha ( trà Nhật được rang nóng mang kiểu mùi thoang thoảng của hạt rang) là loại trà lý tưởng cho người mới bắt đầu.  

Đôi khi giữa bộn bề hối hả của cuộc sống, con người ta cần lắm cho mình phút giây lắng đọng để thở và để nghỉ. Nhấm nháp bánh ngọt, thưởng chén trà đắng như cách ta cho phép bản thân nếm trải tất cả dư vị ngọt ngào trên chặng đường đời lắm chênh vênh và đầy sóng gió. Như một người ở tuổi xế chiều nhẹ nhàng nhìn về quá khứ đi qua có đắng cay và cả ngọt bùi.    

Chúng ta được sinh ra vì người khác thích, sống và trưởng thành bằng đam mê và những điều ta yêu thích. Nhưng lấp đầy cuộc đời mỗi người chẳng phải là những thứ ta thường ghét bỏ hay sao? Ghét bỏ ấy như một tách trà nóng, đắng chát ngay lần đầu thử nếm mà hậu ngọt bao giờ cũng đọng lại ở những giọt cuối cùng.

Facebook
Pinterest

Bài viết khác

Tempura

Tôi không thích lắm những món ăn chứa nhiều dầu mỡ vì chúng không tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, tôi thấy thật lãng phí

Đọc tiếp

Chè trôi nước

Ngồi giữa mùa hè ăn chè trôi nước Không nhớ rõ lần cuối tôi cầm chén chè trôi nước trên tay là lúc nào. Chắc

Đọc tiếp
anmitsu kanten

Anmitsu kanten và mùa hè bên ô cửa lộng gió

Khi cuộc sống bủa vây bởi những công trình bê tông hóa, theo thời gian cảm quan của một người dễ dàng bị đánh mất,

Đọc tiếp